Kinh tế Ngũ_Đại_Thập_Quốc

Hậu kỳ triều Đường, do các nhân tố như loạn An Sử, phiên trấn cát cứ và loạn Hoàng Sào, khiến phương bắc chiến loạn bất kham, nhân khẩu di chuyển xuống phương nam, ruộng vườn hoang vu. Đến thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc, phương bắc thường xuyên đổi chủ và ngọn lửa chiến tranh vẫn chưa tắt, do vậy mà kinh tế khá lạc hậu. Cho đến hậu kỳ triều Hậu Chu, kinh tế phương bắc mới dần khôi phục, song vẫn không theo kịp phương nam. Trong khi đó, phương nam ổn định hơn, tiếp nhận dòng di dân từ phương bắc, đem lại cho phương nam một lực lượng lao động lớn cùng với kỹ thuật canh tác và dệt tiên tiến, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của phương nam.[tham 47] Đến thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc, các nước phương nam thoát khỏi gánh nặng về kinh tế với phương bắc, hơn nữa các quân vương lại xem trọng phát triển sản xuất, phát triển một số đại thành thị trở thành các trung tâm kinh tế khu vực. Đất Thục là nơi nông nghiệp, công thương nghiệp phát đạt, kho lương no đầy. Vùng Giang Nam Lưỡng Hoài mạnh về canh tác, trồng dâu nuôi tằm, trồng chè, thủy lợi và thương nghiệp mậu dịch; trong đó Ngô Việt, Mân và Nam Hán có hoạt động mậu dịch hưng thịnh nhất. Hồ Quảng dựa vào bán trà và vận chuyển trà đến khu vực Hoàng Hà, trao đổi y liệu và chiến mã để thu lợi nhuận. Các nước phương nam bổ sung các mặt hàng mà nước khác không có với nhau, đồng thời thông thương mậu dịch với Hoa Bắc, ngoại quốc rất hưng thịnh. Phương nam đến thời điểm này hoàn toàn thay thế phương bắc để trở thành trung tâm kinh tế của toàn Trung Quốc.[tham 5][tham 47]

Nông nghiệp

Địa đồ thành Hàng châu và Tiền Đường Giang thời Bắc Tông, thành này và đê đá Tiền Đường Giang là do Ngô Việt vương Tiền Lưu cho xây dựng

Từ hậu kỳ triều Đường đến thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc, do chiến loạn và thiên tai kéo dài, kinh tế khu vực Trung Nguyên chịu tàn phá rất nhiều, Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Đông và Quan Trung đều là vùng chiến loạn. Giả dụ như vào năm 943 thời Hậu Tấn Xuất Đế, vào xuân hạ thì chịu nạn hạn hán, đến thu đông thì chịu thủy tai, bùng nổ nạn châu chấu, đến lá trúc cũng bị châu chấu ăn mất; lại thêm quyết định phá vỡ đê Hoàng Hà vì mục đích quân sự, các châu như Biện, Ngạc ngập chìm trong nước, khiến hoạt động sản xuất ở phương bắc chịu sự phá hoại nghiêm trọng. Một cách tương đối thì từ thời Hán-Ngụy-Lục triều trở đi, vùng Giang Nam, Hồ Quảng và Ba Thục khá bình ổn và kinh tế tiếp tục phát triển, trở thành nơi nhân dân Trung Nguyên chạy đến lánh nạn. Cộng thêm việc Hoa Nam được chia thành một số quốc gia, các nước tăng cường sức mạnh kinh tế và mưu hoạch phát triển kinh tế một cách thận trọng, điều này khiến cho sức mạnh kinh tế của Thập Quốc vượt xa so với Ngũ Đại trọng vũ lực.[tham 5]

Thời Ngũ Đại chiến tranh không ngừng, song có không ít vị vua thúc đẩy kinh tế. Sau khi xưng đế, Hậu Lương Thái Tổ xem trọng nông nghiệp, ông bổ nhiệm Trương Toàn Nghĩa làm Hà Nam doãn, nhằm khôi phục sản xuất ở khu vực Hà Nam. Đến năm 908 ông lại lệnh cho các châu diệt châu chấu để làm lợi cho làm ruộng và trồng dâu nuôi tằm.[tham 1] Trong thời gian Hậu Đường Minh Tông chấp chính, ông đề xướng tiết kiệm, tu sửa công trình thủy lợi, quan tâm đến nỗi thống khổ của bách tính, khiến bách tính có thể nghỉ ngơi. Đến thời Hậu Chu, Hậu Chu Thái Tổ cho giảm nhẹ áp lực đối với nông dân, vào năm 952 tiếp tục đem binh đến đóng tại doanh điền[chú thích 6] ban cho điền hộ, nhằm tăng số thuế thu được; đồng thời phế trừ việc thi hành "ngưu tô" từ thời Hậu Lương Thái Tổ, khiến nông dân được miễn trừ gánh nặng thuế trâu/bò chết.[tham 53][tham 5] Đến thời Hậu Chu Thế Tổ, triều đình kiến lập điền chế công bằng, trưng thuế theo số mẫu ruộng chiếm hữu trên thực tế. Điều này khác với chế độ cũ thời Tùy-Đường, song cùng là hai cách đánh thuế sản được thực hành phổ biến sau này.[tham 1]

Các nước phương nam đề xướng phát triển kinh tế, đồng thời lại xem trọng việc xây sửa công trình thủy lợi, phòng thủy để ngăn ngừa thiệt hại; giả dụ như Ngô ViệtNam Đường khích lệ làm ruộng trồng dâu; Mân và Nam Hán xúc tiến mậu dịch với hải ngoại; Tiền ThụcHậu Thục đều phát triển cày cấy và dệt lụa, những điều này đều khiến cho kinh tế phương nam phát triển. Ba Thục từ thời Đường đã có sản vật rất dồi dào, dân số đông đúc, được gọi là "Thiên phủ chi quốc". Sau khi trải qua chiến loạn, Tiền Thục của Vương kiến và Hậu Thục của cha con Mạnh Tri Tường-Mạnh Sưởng đều mưu hoạch phát triển kinh tế, chính trị tương đối ổn định. Họ cũng chú trọng xây dựng công trình thủy lợi, mở rộng diện tích đất canh tác, ở khu vực Bao Trung lại lập ra đồn điền, khiến cho sản xuất nông nghiệp khá phát triển. Thời Hậu Thục, "bách tính no đủ", "một đấu gạo tam tiền". Khu vực Lưỡng Quảng tiếp nhận không ít dân thiên cư, những năm Ngũ Đại, khu vực phía nam Nam Lĩnh bình yên vô sự, phủ khố Nam Hán dần đủ đầy.[tham 5]

Khu vực Lưỡng Hoài, Giang Nam và Thái Hồ thuộc Ngô/Nam Đường và Ngô Việt từ thời Tùy-Đường đã rất phồn vinh, là trọng trấn lương thực của triều Đường.[tham 54] Trải qua biến Bàng Huân và loạn Hoàng Sào, các khu vực này dần hồi phục, triều đình ủng hộ khai khẩn đất hoang đại quy mô tại đây, đồng thời xây đắp nên các thủy đạo. Ngô và Nam Đường khơi thông Luyện Hồ ở Đan Dương, khơi thông hồ Giáng Nham ở Cú Dung, đắp đê Bạch Thủy ở Sở châu, đắp đê An Phong ở Thọ châu, ít công trình nào mà chỉ tưới cho vài nghìn khoảnh ruộng, đa số tưới tiêu cho trên vạn khoảnh ruộng. Ngô Việt vương cho xây đắp đê đá Tiền Đường Giang để phòng thủy triều từ biển xâm nhập,[tham 55], đồng thời khơi thông nạo vét Tây Hồ, Thái HồGiám Hồ,[tham 56] cũng mộ dân khai khẩn ruộng hoang, miễn thu thuế ruộng, khiến khu vực Hàng Châu trở thành một nơi giàu có ở Giang Nam. Khu vực Phúc Kiến vào hậu kỳ triều Đường không có kinh tế mạnh, song huynh đệ Vương triềuVương Thẩm Tri sau khi chiếm lĩnh và lập ra nước Mân, họ khuyến khích dân chúng cày cấy và trồng dâu, cho xây đê Xa Hồ ở huyện Liên Giang, có thể tưới cho 4 vạn dư khoảng ruộng. Nông dân Nam Đường và Ngô Việt cũng xây dựng một kiểu đê ngăn nước tại ruộng gọi là "vi điền". Khi hạn thì mở đập dẫn nước vào ruộng, khi lụt thì đóng đập để ngăn nước, biến các vùng trũng thấp hay bị úng nước trở thành đất ruộng tốt.[tham 5] Ở đất Hồ Quảng, từ thời Đông Tấn-Nam-Bắc triều trở đi đã rất hưng thịnh. Sau khi Mã Ân cát cứ Hồ Nam và kiến lập nước Sở, sản lượng lương thực của Tương Trung và Tương Tây không ngừng tăng lên. Đến thời Chu Hành Phùng cát cứ Hồ Nam, nhân dân "chuyên tâm cấy gặt, trong vòng 4-5 năm, kho lương đầy ắp". Các khu vực ở trung hạ du Trường Giang đều trở nên dư thừa lương thực "Cấp ra cho Thiên hạ, Giang Nam chiếm đến 9/10", sang thời Tống, có câu nói "Tô (hay Hồ) thường được mùa thì Thiên hạ no đủ".[tham 47]

Ngoài sản xuất lương thực ra, các ngành kinh tế khác ở phương nam như trà, dệt lụa, bông cũng rất hưng thịnh, tiến lên mức chuyên nghiệp hóa. Đương thời, trà ngoài các giống ở vùng núi, cũng có các giống trồng ở vùng đất bằng hay gò đồi. Căn cứ theo ghi chép tại "Tứ thời toản yếu", đương thời vườn trà Giang Nam rất phát đạt. Thời Thập Quốc, nước Sở của Mã Ân đối với các ngành như trà, trồng dâu nuôi tằm, bông đều rất hưng thịnh, dẫn đến thương nghiệp và mậu dịch của Sở cũng phát đạt. Nước Mân phát triển kinh tế sản vật trà, lại khuyến khích mậu dịch trên biển, có tác dụng thúc đẩy rất lớn đối với kinh tế bản địa.[tham 47]

Thủ công nghiệp

Đồ sứ trắng đỉnh sen bốn vòi thời Ngũ Đại

Các nước hỗn chiến khiến kinh tế-xã hội bị phá hoại nghiêm trọng, song sản xuất xã hội không bị gián đoạn. Thậm chí ở khu vực Hoa Bắc, đầu thời Hậu Lương Thái Tổ trị vì, và thời Hậu Đường Trang Tông tại vị, họ đều thi hành biện pháp để khôi phục sản xuất. Thời Hậu Chu, thủ công nghiệp như xe sợi dệt vải, làm giấy, làm trà, làm muối đều có sự phát triển, nghề xe sợi dệt vải ở phương nam đã vượt qua phương bắc.[tham 5][tham 57]

Điêu bản ấn loát (in bằng bản được chạm trắc từ trước) đầu tiên được lưu hành trong dân gian, song vào thời Ngũ Đại Thập Quốc thì đặc biệt phổ biến, trong đó hai nơi là Giang Nam và Ba Thục khá phát triển, không chỉ dùng để in sách kinh Phật hoặc sách dùng hàng ngày trong dân gian, mà còn dùng để in các kinh điển Nho giáo vốn chỉ phục vụ cho tầng lớp sĩ đại phu. Điêu bản ấn loát ở Tiền Thục khá phát triển, các sản phẩm in chủ yếu là sách xem bói hay tự điển. Đến thời Hậu Thục, người ta thông thạo việc in ấn, khiến cho "trong Thục, văn học phục thịnh". Năm 932, tể tướng Hậu Đường Phùng Đạo đề nghị chính thức chọn cách dùng điêu bản để in Cửu kinh như Thi Kinh, Thư Kinh, Kễ Kỳ, xuất hiện việc in ấn chính thức trên quy mô lớn. Kế hoạch này do Quốc tử giám thực hiện, không vì chiến loạn mà đình chỉ, đến năm 953 vào thời Hậu Chu thì mới hoàn tất việc khắc ấn, tổng cộng mất tới 22 năm. Kể từ đó, khắc bản "Cửu kinh" được lưu truyền rộng rãi. Sau đó, triều đình khắc ấn kinh thư với số lượng tăng thêm, nhiệm vụ này lại giao cho Quốc tử giám phụ trách, bản khắc sách được thu giữ trong Quốc tử giám và được gọi là "giám bản".[tham 57]

Ngũ Đại cũng là thời kỳ chuyển đổi trọng yếu của nghề gốm, do dân gian chuyển sang lò gốm quan. Đồ gốm dân và đồ gốm quan mỗi bên theo một hướng, "tranh kỳ đấu diễm", hình thành thời kỳ thịnh hành đồ sứ đơn sắc. Quan phương cho dựng lên lò gốm quan, chuyên môn cung ứng sản phẩm cho hoàng thất và quan viên sử dụng. Ở phương bắc, có "ngự diêu" (đồ gốm dành cho vua dùng) thời Hậu Đường và Hậu Chu, ở phương nam có đồ gốm bí sắc ở nước Ngô Việt, có lò gốm quan ở Tiền Thục và Hậu Thục. Dân gian vẫn duy trì truyền thống làm ra đồ gốm tốt, giả dụ như Định Diêu ở Hà Bắc rất hưng thịnh.[tham 58] "Việt khí" ở Ngô Việt có kỹ thuật thiêu chế tốt, rất có danh tiếng.[tham 57] Thời Ngũ Đại, thợ thầy đồ gốm có các cải biến sáng tạo, truyền thế tạo thành một sự tiên phong lớn trong lịch sử nghề đồ gốm Trung Quốc cổ đại.[tham 59] Kỹ thuật làm đồ gốm cũng được truyền ra nước ngoài, vào năm 918 dưới thời Hậu Lương, Cao Ly do học được kỹ thuật làm đồ sứ của Trung Quốc nên thiết lập xưởng gốm ở Khang Tân (Gangjin), sau đó kỹ thuật đồ gốm Trung Quốc lại tiếp tục truyền bá sang Nhật Bản và các nước Tây Dương.[tham 59]

Trừng Tâm Đường chỉ là tên một loại giấy và thời Ngũ Đại Thập Quốc, Nam Đường Hậu Chủ Lý Dục là người thiện tả thi từ, thích thu thập và cất giữ các thư tịch và giấy, do vậy chuyển một căn phòng của quan phủ Kim Lăng thành "Trừng Tâm Đường", dùng làm nơi sáng tác thơ và chứa sách. Nam Đường Hậu Chủ còn lệnh cho đưa thợ làm giấy giỏi của Tứ Xuyên đến Trừng Tâm Đường, phỏng theo cách làm giấy của người Thục mà tạo thành một loại giấy mới có chất lượng tốt, đặt tên là "Trừng Tâm Đường chỉ". Do chất lượng của Trừng Tâm Đường chỉ quá tốt, nên một trang giấy giá 100 tiền, nổi bật trong số các loại giấy. Sau này, triều Tống, triều Thanh đều học theo kỹ thuật của Nam Đường, sản xuất và sử dụng loại giấy này.[tham 59][tham 57]

Thương nghiệp

Do phương bắc chiến loạn không dứt, nông nghiệp bị phá hoại, khiến thương nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc phát triển. Tuy nhiên, kinh tế Hoa Nam không chịu sự phá hoại quá lớn, chính cục các nước phương nam tương đối ổn định hơn so với phương bắc, ngoài sản xuất lương thực đầy kho ra, một vài nước cũng sản xuất các mặt hàng như trà, tơ lụa và bông trên quy mô lớn, trong khi vận chuyển theo Trường Giang hoặc bằng đường biển đều rất tiện lợi. Các nước trao đổi mặt hàng mà mình còn thiếu với nhau, một số còn mậu dịch với ngoại quốc, khiến cho thương nghiệp mậu dịch rất phát đạt. Hoa Bắc cần một lượng lớn trà, thương nhân buôn trà ở các nước phương nam như Sở, Nam Đường hay Mân cũng muốn đem trà đến Hà Nam hay Hà Bắc; do vậy nước Kinh Nam trở thành trung tâm vận chuyển trà, thương nhân phương nam bán trà rồi mua tơ lụa hay chiến mã. Một phần nhu cầu muối ăn của phương nam dựa vào cung ứng từ phương bắc. Các thế lực phương bắc như Ngũ Đại hay Bắc Hán, Yên, Kỳ mua ngựa của người Khiết Đan, Hồi Cốt, Đảng Hạng; Tiền Thục và Hậu Thục cũng mua ngựa từ ngoại tộc ở biên cương phía tây. Các nước thần phục Ngũ Đại ở phương nam đều sử dụng phương thức triều cống để tiến hành mậu dịch với phương bắc. Nam Đường, Ngô Việt và Mân mậu dịch với phương bắc chủ yếu thông qua đường biển; từ Cao LyNhật Bản ở phía đông, đến Đại Thực ở phía tây, Chiêm ThànhTam Phật Tề ở phía nam đều có giao dịch thương nghiệp. Đương thời, có không ít đại cảng mậu dịch, như Dương châu, Minh châu, Quảng châu, trong đó Hàng châu, Phúc châu và Tuyền châu đều được phát triển mở rộng trong thời kỳ này. Ngô Việt vương Tiền Lưu cho mở rộng thành Hàng châu, Mân vương Vương Thẩm Tri mở rộng thành Phúc châu, Thanh Nguyên tiết độ sứ Lưu Tòng Hiệu mở rộng thành Tuyền châu.[tham 47] Ngô Việt, Ngô và Nam Đường sử dụng "mãnh hỏa du" từ hải ngoại truyền đến, còn theo đường biển mà tiếp tục đem đến triều Liêu.[tham 5] Song có thể nói trên phạm vi toàn Trung Quốc, do không thống nhất về chính trị, giao thông cách trở, kinh tế ít có tiến bộ, do vậy việc phát triển thương nghiệp chịu sự hạn chế, như pháp lệnh của Tiền Thục quy định không cho hàng hóa tốt được xuất về phía đông.[tham 60] Hậu Chu quy định không được vận chuyển muối và lương thực để bán quá Chương Hà. Tuy nhiên, thông thương mậu dịch vẫn rất hưng thịnh.[tham 5]

Hàn Hi Tái dạ yến đồ của Cố Hoành Trung, vẽ vào đầu thời Ngũ Đại Thập Quốc. Tranh mô tả trường cảnh hành lạc trong một bữa tiệc của Hàn Hi Tái- đại thần Nam Đường.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Ngũ_Đại_Thập_Quốc http://www.britannica.com/EBchecked/topic/208994 http://www.britannica.com/EBchecked/topic/587074 http://military.china.com/zh_cn/dljl/songchao/01/1... http://edu.cnxianzai.com/gaozhongsheng/xuefazhidao... http://www.guoxue.com/shibu/24shi/Newwudai/xwdml.h... http://www.guoxue.com/shibu/24shi/oldwudai/jwdml.h... http://id.loc.gov/authorities/subjects/sh85024062 http://d-nb.info/gnd/4717161-3 http://vr.theatre.ntu.edu.tw/fineart/chap18/chap18... http://db1x.sinica.edu.tw/caat/caat_rptcaatc.php?_...